Quay lại

Hội thảo “Tuân thủ quy định về bền vững trong tiêu dùng và xuất khẩu đối với thực phẩm và bao bì thực phẩm”

Sáng ngày 10/4/2025, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp cùng Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng, Công ty Cổ phần IP GROUP và Tập đoàn Central Retail Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tuân thủ quy định về bền vững trong tiêu dùng và xuất khẩu đối với thực phẩm và bao bì thực phẩm”.

Tham dự Hội thảo có Bà Hồ Thị Quyên - Phó Giám đốc ITPC; Ông Paul Le - Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail Việt Nam; Ông Lý Hoàng Hải - Tổng Giám đốc Công ty Eurofins Sắc Ký Hải Đăng; Ông Ngô Đắc Thuần - Chủ tịch HĐQT Công ty IP GROUP; cùng quý vị đại biểu, đông đảo quý doanh nghiệp và các cơ quan báo đài.

Tại Hội thảo, Bà Hồ Thị Quyên - Phó Giám đốc ITPC cho biết chuyển đổi xanh là bước chuyển đổi chiến lược của các doanh nghiệp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, mang lại lợi ích lâu dài và thu hút đầu tư. Xu hướng tiêu dùng bền vững với sản phẩm thân thiện môi trường ngày càng được quan tâm. Theo Khảo sát năm 2023 của Tổ chức Nielsen IQ, 38% người tiêu dùng Việt Nam đánh giá cao các sáng kiến và hành động thiết thực của doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường.

Người tiêu dùng cũng đang dần tiếp cận sản phẩm sử dụng bao bì xanh, dễ phân hủy, thân thiện môi trường; đồng thời, đánh giá cao những sản phẩm mang lại lợi ích thiết thực, nhất là những sản phẩm tốt cho sức khỏe. Điều này thúc đẩy các nhà bán lẻ, nhà phân phối tìm kiếm doanh nghiệp cung cấp sản phẩm xanh, bao bì xanh, nhãn xanh để đáp ứng nhu cầu khách hàng và chia sẻ trách nhiệm bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững.

Trong bối cảnh tác động thuế quan, việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) và nắm bắt quy định, tiêu chuẩn xuất khẩu, đặc biệt là quy định về bền vững, sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro và có lợi thế xuất khẩu.

Chia sẻ tại sự kiện, Ông Ngô Đắc Thuần - Chủ tịch HĐQT Công ty IP GROUP, trình bày bức tranh toàn cảnh về công nghệ sản xuất bao bì sinh học trên thế giới thông qua phân tích hoạt động sáng chế. Phân tích cho thấy hoạt động đăng ký và cấp bằng sáng chế trong lĩnh vực này gia tăng ổn định trong giai đoạn 2015-2025, đạt đỉnh vào năm 2022 với 108 đơn đăng ký, phản ánh sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư và mức độ cạnh tranh cao giữa các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp lớn. Các công nghệ chủ đạo được bảo hộ bao gồm vật liệu như Polylactic Acid (PLA), màng/bao bì phim phân hủy sinh học, bột giấy ép khuôn, vật liệu hòa tan trong nước và các phụ gia hỗ trợ phân hủy.

Ông Ngô Đắc Thuần nhận định Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về nguồn nguyên liệu sinh học phong phú và chi phí sản xuất cạnh tranh, nhưng còn hạn chế về nhân lực chuyên môn cao, đầu tư R&D và cơ sở hạ tầng. Để hiện thực hóa tiềm năng phát triển ngành bao bì, Ông đề xuất doanh nghiệp trong nước cần tăng cường đầu tư nhiều hơn vào R&D, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ, đào tạo và thu hút nhân tài, xây dựng hạ tầng hiện đại (ứng dụng in 3D, công nghệ sinh học, vật liệu nano, tự động hóa) và tận dụng các chính sách hỗ trợ từ chính phủ, đồng thời thúc đẩy văn hóa đổi mới sáng tạo trong nội bộ.

Trình bày tại Hội thảo, đại diện Công ty Eurofins Sắc Ký Hải Đăng, Ông Alan Nguyễn, đã đi sâu vào các quy định và yêu cầu tuân thủ đối với vật liệu tiếp xúc thực phẩm (FCM) tại các thị trường trọng điểm như EU và Mỹ. Việc kiểm soát FCM là tối quan trọng vì các chất hóa học có hại có thể thôi nhiễm vào thực phẩm, gây ra các rủi ro về sức khỏe. Khung pháp lý của EU điển hình có thể nhắc đến Quy định khung EC 1935/2004 áp dụng cho 17 nhóm vật liệu chính (như nhựa, giấy, kim loại, gốm sứ, thủy tinh, gỗ, silicone...) và yêu cầu tuân thủ Thực hành sản xuất tốt (GMP) theo Quy định EC 2023/2006. Trong khi đó, tại Mỹ, FCM được quản lý theo Bộ luật Quy định Liên bang (CFR) Tiêu mục 21, các phần 174-186, với các quy định cụ thể cho từng loại vật liệu như polyme (21CFR 177), giấy (21CFR 176), chất kết dính (21CFR 175) và các chất được công nhận là an toàn (GRAS).

Ông Alan Nguyễn cũng nhấn mạnh các yêu cầu thử nghiệm chi tiết và các quy định mới liên quan đến vật liệu tái chế. Cả EU và Mỹ đều yêu cầu thử nghiệm nghiêm ngặt đối với FCM, bao gồm kiểm nghiệm thôi nhiễm toàn phần (Overall Migration - OM) và kiểm nghiệm thôi nhiễm cụ thể (Specific Migration - SM), với các giới hạn khác nhau tùy thuộc vào vật liệu và thị trường. Việc nắm vững các quy định phức tạp và khác biệt này là điều cần thiết cho doanh nghiệp muốn xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường này.

Về phía Ông Paul Le - Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail Việt Nam, cũng đã chia sẻ về các quy định bao bì, bao bì xanh của Tập đoàn, các lợi thế mà các nhà cung cấp khi sử dụng bao bì xanh; kinh nghiệm xử lý bao bì xanh của các nước, thị hiếu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường. Ngoài ra, Ông cũng chia sẻ thêm doanh nghiệp muốn xuất khẩu đi các nước thì bản thân sản phẩm của doanh nghiệp phải phát triển mạnh ở trong nước, đưa vào được các hệ thống siêu thị và cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại. Tiếp đó, khi muốn xuất khẩu đi bất kì thị trường nào, doanh nghiệp phải có đầy đủ thông tin của thị trường đó, đọc các tài liệu và nắm vững các quy định và sự khác biệt giữa các thị trường và cần có năng lực thích ứng với từng thị trường. Đó là cách các doanh nghiệp mạnh đang làm để xuất khẩu hiệu quả.

Chương trình Hội thảo là một phần trong chuỗi hội thảo chuyên đề về lĩnh vực lương thực, thực phẩm, được tổ chức trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế ngành lương thực, thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh năm 2025, diễn ra từ ngày 16/4 đến 19/4/2025 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Sài Gòn - SECC, Quận 7, do ITPC tổ chức.

Thông qua Hội thảo, ITPC hy vọng các doanh nghiệp sẽ cập nhật được những thông tin, quy định mới nhất về tiêu chuẩn bền vững, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm và bao bì, từ đó có những điều chỉnh chiến lược phù hợp, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường tiêu dùng và xuất khẩu.

Nguồn: Phòng Thông tin.