Quay lại
Hội nghị Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Lào - Việt Nam
Trong khuôn khổ TRIỂN LÃM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VÀ CÁC TỈNH, THÀNH HỮU NGHỊ TẠI SAVANNAKHET LẦN THỨ 5 NĂM 2025, có diễn ra Hội nghị Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Lào - Việt Nam. Tại Hội nghị quan trọng này, bà Nguyễn Trần Phượng Trân khẳng định, mối quan hệ giữa Việt Nam và Lào là mối quan hệ đặc biệt, lâu dài và gắn bó, được xây dựng trên nền tảng hữu nghị, đoàn kết, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau. Thành phố Hồ Chí Minh, với vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa và giáo dục của Việt Nam, luôn coi trọng mối quan hệ này, đặc biệt là với các tỉnh của Lào, trong đó có tỉnh Savannakhet. Trong những năm qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Lào nói chung, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh Lào nói riêng, đặc biệt là Savannakhet, đã phát triển mạnh mẽ trên nhiều mặt, nổi bật nhất là lĩnh vực thương mại và đầu tư.
Tính đến năm 2024, Lào là thị trường đầu tư lớn nhất của Việt Nam ở nước ngoài, đứng đầu trong số 82 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Việt Nam hiện là đối tác đầu tư lớn thứ ba vào Lào, với 269 dự án có tổng vốn đăng ký lên tới 5,66 tỷ USD. Các dự án đầu tư của Việt Nam đã có mặt tại hầu hết các vùng miền của Lào, bao gồm các lĩnh vực như tài chính ngân hàng, viễn thông, dịch vụ, nông lâm nghiệp. Nhiều dự án đã đi vào hoạt động hiệu quả, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Lào. Về đầu tư của Lào tại Việt Nam, tính đến năm 2024, Lào có 13 dự án đầu tư vào Việt Nam, trong đó tại TP.HCM có 1 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 72 triệu USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như năng lượng, nông nghiệp, hạ tầng giao thông, công nghiệp chế biến và du lịch.
Hội nghị Xúc tiến Thương mại - Đầu tư Việt Nam - Lào hôm nay là một trong những sự kiện quan trọng trong chuỗi hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Savannakhet, tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp của hai nước tiếp xúc, trao đổi, tìm hiểu về các chính sách mời gọi đầu tư, cũng như lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư từ các cơ quan chuyên môn của hai bên. Chương trình hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Savannakhet được tin tưởng sẽ vừa mở ra cơ hội thương mại, đầu tư mới, vừa góp phần thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào.
Tiếp lời phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Lào - Việt Nam, ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC), trình bày về tiềm năng, lợi thế và định hướng thu hút đầu tư, kết nối giao thương giữa Thành phố Hồ Chí Minh và thị trường Lào. Đồng thời, ông cũng tóm tắt một số điểm chính lý giải nguyên nhân Thành phố Hồ Chí Minh luôn là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Về tổng quan, ông Chánh cho biết Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp hơn 15% tổng sản phẩm quốc nội (GRDP), hơn 25% tổng thu ngân sách quốc gia, chiếm 11,5% tổng kim ngạch xuất khẩu và 15,33% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước; chiếm tỷ trọng 15% giá trị công nghiệp và 33% giá trị dịch vụ của cả nước. Hiện Thành phố có hơn 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có gần 20.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Về môi trường đầu tư, ông Chánh nêu bật vị trí chiến lược thuận lợi của Thành phố Hồ Chí Minh, là đô thị đặc biệt nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp lớn vào kinh tế chung của cả nước. Thành phố có hạ tầng giao thông đa dạng, bao gồm đường bộ, đường hàng không, đường sắt và đường thủy, cùng hệ thống 17 khu chế xuất và khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích hơn 3.900 ha. Nguồn nhân lực của Thành phố dồi dào và chất lượng cao, với nhiều tổ chức khoa học công nghệ, trường đại học, cao đẳng và đội ngũ chuyên gia nghiên cứu năng động. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ của Thành phố rất tiềm năng với hơn 10 triệu dân và mức thu nhập, chi tiêu cao, đồng thời là cửa ngõ lan tỏa đến thị trường 100 triệu dân của Việt Nam. Việt Nam đã tham gia 19 FTA song phương và đa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại và đầu tư.
Ông Chánh cũng giới thiệu các chính sách và cơ chế đặc thù thu hút đầu tư của Thành phố, bao gồm các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và thuế sử dụng đất, cũng như ưu đãi khấu hao nhanh. Đặc biệt, Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, năng lượng sạch, trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển. Khi Thuế Tối thiểu Toàn cầu có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành Nghị định 182/2024/NĐ-CP về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư cho các nhà đầu tư có doanh thu hàng năm trên 750 triệu Euro, với nhiều hạng mục hỗ trợ chi phí đào tạo, nghiên cứu và phát triển, đầu tư tài sản cố định, sản xuất sản phẩm công nghệ cao, đầu tư công trình hạ tầng xã hội và các trường hợp khác theo quyết định của Chính phủ.
Về cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư, ông Chánh khẳng định Thành phố Hồ Chí Minh luôn sẵn sàng hợp tác kinh doanh. Ông gợi ý một số hoạt động mà Thành phố và các tỉnh của Lào có thể triển khai trong thời gian tới, như tổ chức Tuần lễ sản phẩm Thành phố Hồ Chí Minh tại Lào, hội thảo cung cấp thông tin về Hiệp định Thương mại song phương, các hoạt động kết nối giao thương và hội nghị xúc tiến đầu tư của doanh nghiệp Lào tại Thành phố Hồ Chí Minh, phối hợp xây dựng danh mục mời gọi đầu tư các tỉnh của Lào và quảng bá tiềm năng du lịch trên website của Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh.
Qua mỗi lần tổ chức triển lãm và các hoạt động giao lưu văn hóa, mối quan hệ hợp tác giữa các tỉnh, thành của Việt Nam và các địa phương của Lào, đặc biệt là giữa Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Savannakhet, ngày càng trở nên gắn bó và phát triển bền vững, lâu dài. Với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, Triển lãm lần này được kỳ vọng sẽ tiếp tục mở ra những cơ hội mới, đóng góp vào sự phát triển bền vững.
Nguồn: Phòng Thông tin.
Tin khác
— 5 Số bài trên trang