Quay lại

“Vấn đề lớn nhất của kinh tế Trung Quốc bây giờ là thiếu niềm tin”

Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt niềm tin trong bối cảnh nền kinh tế nước này trải qua một cuộc chuyển đổi lớn và mối lo ngại về cuộc khủng hoảng bất động sản tăng thêm - CEO Bill Winters của ngân hàng Standard Chartered nhận định

“Tôi cho rằng vấn đề lớn nhất của kinh tế Trung Quốc bây giờ là thiếu niềm tin. Nhà đầu tư nước ngoài thiếu niềm tin vào Trung Quốc và nhà đầu tư trong nước cũng thiếu niềm tin”, ông Winters nói với hãng tin CNBC tại một phiên thảo luận vào ngày 12/2 trong khuôn khổ sự kiện World Goverments Summit (Thượng đỉnh Chính phủ Thế giới) diễn ra ở Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

“Nhưng tôi nghĩ Trung Quốc đang trải qua một cuộc chuyển đổi lớn từ nền kinh tế cũ sang nền kinh tế mới. Chúng ta đều thấy nền kinh tế mới của Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ, với những lĩnh vực mới như ô tô điện”, ông Winters phát biểu.

Giới đầu tư toàn cầu đang theo dõi sát sao tình hình Trung Quốc - nơi thị trường chứng khoán lao dốc chóng mặt trong những tháng gần đây, vấn đề giảm phát đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, và cuộc khủng hoảng bất động sản chưa có hồi kết tiếp tục phủ bóng lên triển vọng tăng trưởng kinh tế. Theo một báo cáo công bố vào cuối tháng 12 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhu cầu mua nhà mới ở Trung Quốc sẽ giảm khoảng 50% trong vòng 1 thập kỷ tới.

Nhu cầu nhà mới giảm sẽ khiến cho việc hấp thụ lượng nhà tồn kho khổng lồ hiện nay ở Trung Quốc” trở nên khó khăn hơn, từ đó dẫn tới “kéo dài sự điều chỉnh sang trung hạn và gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế” - báo cáo nhận định. Bất động sản và các lĩnh vực liên quan chiếm khoảng 25% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc.

Phát biểu tại sự kiện ở Dubai hôm 11/2, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhấn mạnh rằng bà nhận thấy Bắc Kinh cần tiến hành cải cách để xử lý các thách thức kinh tế. Bà cho biết định chế có trụ sở ở Washington, Mỹ đã thảo luận với Trung Quốc về “các vấn đề cơ cấu dài hạn mà nước này cần giải quyết”. “Phân tích của chúng tôi cho thấy nếu không có cải cách sâu về cơ cấu, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể giảm dưới 4%. Khi đó Trung Quốc sẽ ở vào một tình thế rất khó khăn”, bà Georgieva nói.

“Chúng tôi muốn chứng kiến Trung Quốc thực sự dịch chuyển theo hướng tăng cường tiêu dùng nội địa và giảm bớt phụ thuộc vào xuất khẩu. Nhưng để làm được việc đó, họ cần có được niềm tin của người tiêu dùng”, người đứng đầu IMF nhận định, cho thấy quan điểm tương tự như đánh giá mà ông Winters đưa ra về vấn đề niềm tin trong nền kinh tế Trung Quốc ở thời điểm này.

“Và điều đó đồng nghĩa Trung Quốc cần giải quyết cuộc khủng hoảng bất động sản, nâng cấp hệ thống lương hưu, và cải thiện dài hạn các yếu tố nền tảng trong nền kinh tế”, bà Georgieva phát biểu.

Tuy nhiên, ông Winters vẫn giữ được sự lạc quan về triển vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nói rằng mọi xã hội từng trải qua các cuộc chuyển đổi lớn về kinh tế đều tất yếu gặp phải mức độ biến động và tổn thất nhất định.

“Họ đang cố gắng kiểm soát cuộc chuyển đổi này để không gây ra gián đoạn trong hệ thống tài chính, điều mà ở phương Tây chúng tôi chưa bao giờ làm được. Mỗi cuộc chuyển đổi công nghiệp lớn đều đi kèm với một cuộc suy thoái kinh tế lớn hoặc một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Họ đang cố gắng tránh điều đó, nên cuộc chuyển đổi sẽ kéo dài hơn. Tôi nghĩ rằng họ sẽ hoàn thành cuộc chuyển đổi một cách tốt đẹp”, vị CEO nói về Trung Quốc.

Nguồn: TBKTVN