Quay lại

Giá chip tại châu Á vẫn "bỏng tay" vì lệnh cấm của Mỹ và cơn sốt A.I

Vào tháng 10 năm ngoái, sâu trong chợ đồ điện tử lớn nhất Đài Loan, Guanghua Digital Plaza, các người mua hàng hộ đã đổ xô từ cửa hàng này sang cửa hàng khác để "càn quét" sạch các card đồ họa RTX 4090 của Nvidia. Họ mở những túi đeo hông chứa đầy tiền mặt, xuống tay chi hàng triệu dollar Đài Loan cho các mặt hàng này.

“Họ thu mua những thứ này để sau đó bán lại với giá cao cho những khu vực phải đối mặt với lệnh hạn chế của Mỹ, như Hong Kong hoặc Trung Quốc”, một chủ cửa hàng trong chợ nói, đồng thời cho biết card đồ họa có thể được bán lại với giá gấp 3 lần bên kia eo biển. 

Đài Loan không phải là nơi duy nhất chứng kiến cảnh tượng này. Theo Nikkei Asia, tại Singapore, Việt Nam cho tới chợ điện tử Yongsan ở Hàn Quốc tình hình cũng không khá hơn. Sự thiếu hụt trầm trọng của RTX 4090, đã đẩy giá thành của nó cao hơn tới 60% so với thời điểm ra mắt vào hơn một năm trước.

Card đồ họa RTX 4090 ngoài công dụng hiển thị hình ảnh trong trò chơi điện tử còn có thể sử dụng để đào tạo các mô hình trí tuệ nhân tạo (A.I). Và nó đã trở thành một mặt hàng hot ở Hong Kong và Trung Quốc kể từ khi Mỹ bắt đầu hạn chế giao dịch với Trung Quốc. 

Chính quyền Tổng thống Biden đã đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu một số loại chip cao cấp sang Trung Quốc vào năm 2022 nhằm hạn chế những tiến bộ của nước này trong lĩnh vực A.I, vốn rất quan trọng đối với quân đội Trung Quốc. Nvidia đã thiết kế lại một số sản phẩm mạnh mẽ nhất của mình – A100 và H100 – để hạ thấp thông số kỹ thuật và có thể tiếp tục kinh doanh tại Trung Quốc, nơi công ty kiếm được 20% doanh thu.

Nhưng vào tháng 10 năm ngoái, Mỹ đã cập nhật các quy tắc của mình và Nvidia đã thiết kế lại chip một lần nữa để đảm bảo chúng tuân thủ các quy tắc mới nhất. Tuy những mẫu chip này chưa xuất hiện trên kệ hàng nhưng Washington không có dấu hiệu thay đổi cách tiếp cận của mình.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã cảnh báo các công ty công nghệ vào tháng 12 năm ngoái: “Nếu các công ty thiết kế một con chip có thể giúp A.I phát triển A.I, tôi sẽ kiểm soát nó ngay ngày hôm sau”.

Doanh thu Nvidia tăng mạnh vì nhu cầu lớn tại châu Á.

Doanh thu Nvidia tăng mạnh vì nhu cầu lớn tại châu Á.

RTX 4090 rẻ hơn và kém mạnh hơn so với các sản phẩm cao cấp nhất của Nvidia, có giá hàng chục ngàn USD/chiếc. Khi được phát hành lần đầu cách đây chưa đầy một năm, RTX 4090 có mức giá chính thức là 1.599 USD. Sau tháng 10 vừa qua, tại một số cửa hàng bán lẻ, giá đã được đẩy lên tới 2.541 USD. 

Trở lại chợ Guanghua ở Đài Bắc, các đợt "càn quét" đã khiến một nhà bán lẻ phải thay đổi chính sách bán hàng của mình: Bất kỳ ai muốn mua chip RTX 4090 giờ đây chỉ có thể mua khi nó đã được lắp đặt trong một thiết bị hoàn chỉnh.

Tuy là vậy nhưng: “Vẫn có người mua hơn 20 bộ máy tính để bàn chỉ vì có chip RTX 4090 bên trong. Họ có thể tháo rời để lấy chip mà vẫn kiếm được lợi nhuận”, nhà bán lẻ cho biết. Những bộ máy tính này có giá lên tới 4.500 USD mà họ vẫn háo hức mua sạch".

Hoạt động giao dịch RTX 4090 diễn ra nhanh chóng cho thấy khó khăn mà Mỹ gặp phải trong việc ngăn chặn dòng chip vào Trung Quốc thông qua các nhà phân phối và buôn lậu nhỏ.

Một người đồng sáng lập một công ty khởi nghiệp A.I ở Hong Kong cho biết các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đã gây ra những trở ngại lớn cho công ty của ông và việc mua chip thông qua các kênh thông thường đã trở nên quá rủi ro. Phương sách cuối cùng, công ty khởi nghiệp đã chuyển sang mua lại thông qua một đại lý.

Người đồng sáng lập cho biết: “Các mối hàng chính ngạch không còn hoạt động nữa. Nó rất phức tạp và có cảm giác như tôi đang mua ma túy vậy".

Ngay phía Bắc Thâm Quyến, tại chợ Huaqiangbei, một trung tâm cung ứng điện tử toàn cầu.

Cổ phiếu Nvidia tăng vọt nhờ sự bùng nổ của AI (theo USD).

Cổ phiếu Nvidia tăng vọt nhờ sự bùng nổ của A.I (theo USD).

Các hộp card đồ họa RTX 4090 trống được trưng bày tại một số cửa hàng, trong khi người bán hoàn toàn cởi mở về việc đã thu mua lại các chip nằm trong danh sách cấm. Có 5 cửa hàng tại đây cho biết họ đã bán các mặt hàng nằm trong danh sách bị kiểm soát xuất khẩu.

Một người cho biết hoạt động buôn bán chip tiên tiến vẫn tồn tại nhưng ngày càng trở thành một hoạt động ngầm sau khi Mỹ cập nhật các hạn chế vào năm ngoái. Ông nói thêm rằng số hàng này được đưa vào Trung Quốc đại lục thông qua một đại lý thu mua hoặc các công ty vỏ bọc được thành lập ở nước ngoài.

“Hiện tại không có hàng nhưng có thể chỉ mất khoảng 3-4 ngày để hàng đến đây”, ông nói.

Mỹ bắt đầu "vũ khí hóa" các biện pháp kiểm soát xuất khẩu dưới thời chính quyền Tổng thống Trump trước đây. Vào năm 2019, họ đã đưa Huawei Technologies vào Danh sách đen, còn có tên gọi chính thức là "Danh sách thực thể" (Entity List), cùng hàng trăm công ty Trung Quốc khác.

Để kinh doanh với một công ty trong Danh sách thực thể, nhà cung cấp phải xin giấy phép từ Bộ Thương mại cho từng sản phẩm. Chẳng hạn, Qualcomm có thể cung cấp bộ xử lý 4G cho Huawei nhưng không được cung cấp chip 5G. Intel và AMD cũng đã nhận được giấy phép cung cấp một số bộ vi xử lý cho Huawei.

Những hạn chế mới nhất đối với chip A.I có sức lan tỏa rộng hơn, áp dụng cho toàn bộ quốc gia thay vì từng công ty riêng lẻ.

Các luật sư tư vấn cho các công ty về kiểm soát xuất khẩu và lệnh trừng phạt cho biết không có gì lạ khi các mặt hàng bị kiểm soát xuất khẩu tìm đường đến các quốc gia mục tiêu thông qua chuyển hướng thương mại.

Ông David Wolber tại Gibson Dunn cho biết, một trong những mục tiêu chính trong các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Washington là ít nhất có thể làm chậm sự phát triển về năng lực AI tiên tiến của Trung Quốc so với Mỹ.

Ông Nazak Nikakhtar, một đối tác tại Wiley Rein LLC và là cựu Thứ trưởng của Bộ Thương mại, nói rằng các quy định gần đây của Mỹ đang gây ra biến động trên thị trường vì chúng được ban hành mà không, hoặc có rất ít, cảnh báo trước cho ngành. 

Song theo một cuộc điều tra của Nikkei Asia vào năm ngoái, bất chấp lệnh trừng phạt, chất bán dẫn do Mỹ sản xuất vẫn tìm đường đến Nga thông qua Trung Quốc và Hong Kong.

Nguồn: TBKTVN