Quay lại

Việt Nam và những “cơn gió ngược” từ bên ngoài năm 2024

Tốc độ tăng trưởng GDP thực của kinh tế thế giới năm 2023 được ước tính vào khoảng 2,9-3,2%. Mặc dù nhiều nền kinh tế đã công bố số liệu quý 3/2023 nhưng để có con số chính xác hơn thì phải đợi đến cuối tháng 2/2024, khi số liệu quý 4/2023 được công bố. Như vậy, so với dự báo trước đó thì kinh tế thế giới đã có phần cải thiện hơn, một phần lớn là nhờ ở Hoa Kỳ và Ấn Độ có kết quả tốt hơn kỳ vọng.

TRIỂN VỌNG KINH TẾ THẾ GIỚI: XÁM NHIỀU HƠN SÁNG

Tuy vậy, năm 2024 sẽ là một năm khó khăn cho Hoa Kỳ, EU, và Trung Quốc. Rủi ro lớn nhất vẫn xoay quanh ảnh hưởng của lạm phát cao và dai dẳng. Mặc dù lạm phát đã có dấu hiệu đạt đỉnh và đang giảm dần nhưng lo ngại lạm phát lõi vẫn cao và khoảng cách với lạm phát mục tiêu còn khá xa.

Các ngân hàng Trung ương lớn như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ đương đầu với những quyết định khó khăn trong việc cắt giảm lãi suất: khi nào và với liều lượng bao nhiêu. Bởi vì như Fed đã ghi nhận trong biên bản cuộc họp tháng 12/2023, việc tăng lãi suất nhanh và nhiều là có phần hơi quá tay.

Trong khi đó, rủi ro về địa chính trị không những giảm mà còn tăng. Bất ổn mới ở khu vực dải Gaza, Biển Đỏ, căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan, chiến tranh Nga -Ukraine có thể tạo ra những bất ổn mới, ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. Kết quả bầu cử tháng 11/2024 ở Hoa Kỳ cũng sẽ có ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế chính trị thế giới trong trường hợp đảng Cộng hòa thắng cử lần này.

Thương mại toàn cầu giảm 8% trong năm 2023 được cho là do sự phân cực, chủ nghĩa bảo hộ của cánh hữu và chủ nghĩa dân túy. Sự phân mảnh của kinh tế thế giới có thể gây tổn thất từ 2,5-7% GDP thế giới. Các chính sách công nghiệp ở Mỹ và châu Âu tiếp tục dịch chuyển sẽ dẫn đến những hậu quả sâu rộng cho thương mại toàn cầu và đầu tư trực tiếp nước ngoài.

KINH TẾ TRUNG QUỐC HỤT HƠI

Lực cầu trong nước yếu do sức mua bị kiệt quệ từ Covid-19, xu hướng de-risking giữa Trung Quốc và phương Tây, khủng hoảng bất động sản, các khoản nợ lớn trong nền kinh tế, chính sách điều hành không hiệu quả (chính sách thịnh vượng chung) đã khiến cho kinh tế Trung Quốc chậm lại và có dấu hiệu rõ ràng của sự hụt hơi.

Theo the Conference Board, Trung Quốc chỉ có thể tăng trưởng khoảng 4,1% trong năm 2024 và xuống còn 3,9% trong năm 2025. Trong khi đó thì OECD lạc quan hơn, dự phóng Trung Quốc tăng trưởng lần lượt là 4,7% và 4,2%.

Trong trường hợp nào đi nữa thì tăng trưởng của Trung Quốc đang theo xu hướng giảm dần. Trong dài hạn, tăng trưởng tiềm năng của Trung Quốc giai đoạn 2025-2030 là 4,1% và giai đoạn 2031-2036 là 3,7%. Các yếu tố đóng góp vào tăng trưởng như vốn, lao động và TFP đều có xu hướng chậm lại. Trong đó, đáng kể nhất phải là đóng góp của lao động.

Trung Quốc đã từng rất lạc quan với các dự báo tăng trưởng của mình khi so sánh thời điểm khởi đầu với Đức, Nhật và Hàn Quốc, nhưng cấu trúc dân số của Trung Quốc lại bất lợi hơn các nước kia rất nhiều, vì khi bắt đầu thì độ tuổi trung bình của lao động Trung Quốc đã ở mức cao.

Việt Nam và những “cơn gió ngược” từ bên ngoài năm 2024 - Ảnh 1

Mặc dù chất lượng lao động của Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể, nhưng vẫn khó bù đắp lại cho tốc độ già hóa dân số. Thêm vào đó, chính sách kiểm soát dân số cũng đã để lại những hệ lụy đến ngày nay, như vấn đề “thế hệ sandwich”, mất cân đối giới tính trong lao động.

Về việc làm của giới trẻ Trung Quốc và một bộ phận không nhỏ lao động trẻ Trung Quốc tìm một lối thoát ở nước ngoài đang là vấn đề đau đầu cho các nhà hoạch định chính sách. Lao động trẻ không có việc làm hoặc việc làm không ổn định thì không thể tạo ra lực cầu chi tiêu nội địa, tạo lực đỡ cho thị trường bất động sản. Còn vấn đề lao động trẻ đi làm ở nước ngoài thì hệ lụy sẽ là những năm về sau, khi họ quay trở về với gánh nặng an sinh xã hội vì tuổi cao sức yếu.

MỸ CÓ RƠI VÀO SUY THOÁI?

Kinh tế Mỹ sẽ sụt giảm mạnh trong năm 2024 là điều khá rõ ràng nhưng nhiều hy vọng sẽ là một cú hạ cánh mềm hay suy thoái nhẹ trong nửa đầu năm 2024. Tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát đã cho thấy hiệu lực khi thu nhập của người lao động có tốc độ tăng chậm lại, tiết kiệm giảm, thị trường lao động được nới lỏng hơn.

Với mức tăng trưởng năm 2024 chỉ còn 0,9% so với 2,4% năm trước đó thì đây là một sự sụt giảm nghiêm trọng. Hy vọng hạ cánh mềm là ở việc lạm phát đã được kiểm soát và Fed sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, yếu tố không thể biết trước được là khi nào sẽ bắt đầu hạ lãi suất và bao nhiêu điểm phần trăm trong mỗi lần, vì có nhiều yếu tố quan trọng khác bên cạnh chính sách tiền tệ, đó là: thị trường việc làm, cảm nhận của người tiêu dùng, chỉ số tin cậy của thị trường.

Năm 2024 cũng là năm nhiều nước tiến hành bầu cử lãnh đạo, nhưng bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024 lại là sự kiện được chú ý và có ảnh hưởng lớn nhất. Dù đảng nào giành thắng lợi lần này thì ảnh hưởng của nó đến kinh tế, chính trị Mỹ và thế giới cũng sẽ rất sâu sắc. Sự khác nhau lớn nhất là giữa hai đại diện (ông Joe Biden và ông Donal Trump): một người truyền thống theo những nguyên tắc, còn một người có những phá cách sự tùy hứng.

Những diễn biến của kinh tế chính trị trong năm 2024 sẽ có ảnh hưởng lớn đến kết quả bầu cử và ngược lại. Nếu đảng Dân chủ cùng ông Joe Biden có thể thuyết phục được số đông thì nhiều chính sách quan trọng sẽ được tiếp tục, còn nếu không thì sẽ có những thay đổi đáng kể, nhất là trong mối quan hệ với các đồng minh cũng như với Trung Quốc.

SỰ THẬN TRỌNG CỦA VIỆT NAM

Năm 2023, tăng trưởng của Việt Nam không đạt được mục tiêu và còn tồn đọng nhiều vấn đề lớn, như: nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, khủng hoảng thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản vô cùng khó khăn, sức cầu của nền kinh tế sụt giảm. Các chính sách nới lỏng tiền tệ đã được sử dụng gần như hết công suất của mình với việc giảm lãi suất điều hành liên tục bốn lần, ổn định được tỷ giá và lạm phát.

Quốc hội và Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng cho năm 2024 là 6,0-6,5%, đặc biệt có nhấn mạnh ưu tiên tăng trưởng hơn sự ổn định vĩ mô. Tuy nhiên, với những diễn biến mới đây theo chiều hướng xấu đi của tình hình kinh tế địa chính trị quốc tế, thì mục tiêu và các chính sách cần được linh hoạt và theo hướng thích ứng, một cách tiếp cận là theo OKR (Objectives and Key Results) thay cho KPI (Key Performance Indicators).

Tăng trưởng là điều cần thiết nhưng chất lượng tăng trưởng, chất lượng cuộc sống của người dân cũng là điều quan trọng không kém. Động lực của tăng trưởng là vốn, chất lượng vốn, lao động, chất lượng lao động và năng suất nhân tố tổng hợp (TFP). Vì vậy, mục tiêu ngắn hạn trước mắt, nếu muốn tăng trưởng, cần có sự đóng góp rất quan trọng của chính sách tài khóa, của việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng.

So với nhiều nền kinh tế khác, Việt Nam vẫn còn giữ được đà tăng trưởng trong nhóm cao, đang nằm trong nhóm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, một động lực quan trọng của kinh tế thế giới. Việc phân bổ nguồn lực thông qua các chính sách, vì vậy, cần tính toán thận trọng, để có thể bắt được nhịp hồi của kinh tế thế giới vào nửa năm sau của 2024. Trong bối cảnh khó khăn chung, mình khó khăn ít hơn người khác, thì cũng là một kết quả khích lệ.

(*) Tác giả hiện là Giảng viên ĐH Kinh tế Tp.HCM, IPAG Business School, thành viên AVSE Global 

Nguồn: TBKTVN