Quay lại

Vì sao kinh tế Mỹ tốt hơn phần còn lại của thế giới?

Nền kinh tế Mỹ tiếp tục gây bất ngờ trong quý 4/2023 khi đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn dự báo của giới phân tích. Cách đây 1 năm, nhiều chuyên gia gần như tin chắc Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023, nhưng điều đó đã không xảy ra.

Quý 3 năm ngoái, nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm ấn tượng 4,9%. Khi bước sang quý 4, các nhà kinh tế đã lo ngại về một sự giảm tốc mạnh. Số liệu công bố mới đây cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ đúng là có giảm tốc, nhưng vẫn tăng 3,3%, vượt xa mức dự báo tăng 1,5% mà giới chuyên gia đưa ra.

Cuối năm ngoái, dự báo phổ biến là kinh tế Mỹ sẽ không tránh được suy thoái trong năm nay và chỉ đạt tốc độ tăng khoảng 0,2%. Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng cả năm 2023 của kinh tế Mỹ là 2,5%.

Không chỉ tốt hơn dự báo, kinh tế Mỹ còn “khoẻ” hơn các nền kinh tế lớn khác trong năm qua.

Số liệu mới nhất cho thấy khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu eurozone đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm chỉ 0,1% trong quý 3/2023. Ở Anh, mức tăng trưởng của quý 3 là 0,2%. Nền kinh tế Nhật Bản trong quý 3 thậm chí giảm 2,1% trong quý 3 so với cùng kỳ năm trước.

Người tiêu dùng Mỹ duy trì chi tiêu ở mức cao, bất chấp việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lên mức cao nhất 23 năm để chống lạm phát, là động lực quan trọng đưa kinh tế Mỹ tăng trưởng trong năm ngoái.

Theo hãng tin CNN, người tiêu dùng Mỹ chi tiêu thoải mái bởi một lý do: trên thế giới chỉ có một nước công nghiệp duy nhất là Singapore chi tiền kích cầu tính theo bình quân đầu người trong đại dịch Covid-19 từ năm 2020-2021 nhiều hơn Mỹ. Đây là kết quả của một nghiên cứu về phản ứng chính sách kinh tế của 166 nền kinh tế trên thế giới với đại dịch.

Trong hai năm đó, Chính phủ Mỹ đã chi gần 5 nghìn tỷ USD để hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình dưới dạng phát séc kích cầu, tăng cường trợ cấp thất nghiệp, tín dụng thuế… Trong khi đó, đại dịch là khoảng thời gian người dân ít chi tiêu vì đa số các dịch vụ đóng cửa, dẫn tới lượng tiền tiết kiệm lớn. Khi nền kinh tế mở cửa trở lại, họ bắt đầu chi tiêu như một lò xo được bung nén.

Gần đây, người tiêu dùng Mỹ đã chi tiêu chậm lại, nhưng mức tiêu dùng vẫn còn lớn do một phần không nhỏ của số tiền kích cầu vẫn đang chảy trong nền kinh tế - theo chuyên gia kinh tế cấp cao Joseph Gagnon thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson.

Ngoài ra, người tiêu dùng Mỹ cũng phải nộp thuế ít hơn trước kia, thể hiện qua thu ngân sách từ thuế của Chính phủ liên bang giảm xuống - theo ông Gagnon. Lượng thuế thu được giảm khiến Washington phải vay nợ nhiều hơn để trang trải các khoản chi tiêu ngày càng tăng.

“Người tiêu dùng đang chi tiêu như thể họ có nhiều tiền hơn trước”, vị chuyên gia nói thêm.

Sự khác biệt về giá năng lượng giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn khác cũng đóng một vai trò quan trọng.

Một trong những lý do khiến lạm phát ở châu Âu cao hơn ở Mỹ là bởi khu vực này và Anh là một khu vực nhập khẩu ròng năng lượng. Eurozone và Anh đã hứng chịu tổn thất lớn khi giá khí đốt tăng vọt sau khi cuộc chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022. Trong cuộc khủng hoảng năng lượng đó, hoá đơn năng lượng của các hộ gia đình và doanh nghiệp tại các nền kinh tế này đã tăng lên mức cao kỷ lục.

Có một câu hỏi được đặt ra: liệu kinh tế Mỹ có giữ mãi được nhịp độ tăng trưởng như hiện nay hay không? Ông Gagnon cho rằng 3,3% là tốc độ tăng trưởng là khó duy trì.

Tuy nhiên, ở thời điểm này, giới chuyên gia và nhà đầu tư đang lạc quan rằng nền kinh tế Mỹ sẽ có được một cuộc hạ cánh mềm trong năm 2024, với lạm phát tiếp tục giảm tốc về gần hơn với mục tiêu của Fed mà tăng trưởng không sụt mạnh.

Nguồn: TBKTVN