Quay lại

Sẽ trình dự thảo xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quý 2/2024

Cụ thể, Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 04/CT-TTg năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Văn phòng Chính phủ năm 2024 và những năm tiếp theo.

Theo đó, thẩm tra các đề án, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia, an toàn thông tin, an ninh mạng, công nghiệp công nghệ thông tin; Tham gia sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo kết quả rà soát văn bản phục vụ triển khai Đề án 06;

Ngoài ra, phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc đôn đốc, hoàn thiện phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính chậm được triển khai theo 19 Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ giai đoạn 2017-2018;

Xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về thực hiện liên thông điện tử thực hiện tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả đối với 02 nhóm thủ tục hành chính: “Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất” theo trình tự, thủ tục rút gọn;

Nghiên cứu, xây dựng tài liệu hướng dẫn về Mô hình mẫu về Bộ phận một cửa cung cấp dịch vụ công theo hướng kết hợp bộ phận một cửa của các đơn vị hành chính các cấp trên địa bàn; đánh giá, tổng kết sau thí điểm để phát triển mô hình trên diện rộng;

Đồng thời, phối hợp với các địa phương: TP. Hà Nội, TP.HCM, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Bình Dương tổ chức triển khai thí điểm;

Phối hợp với Bộ Công an tham mưu trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xây dựng Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân;

Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc cấp, quản lý chữ ký số công cộng bảo đảm tiện lợi cho tổ chức, cá nhân trong ký các giấy tờ, tài liệu khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; sửa đổi Nghị định 130/2018/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục rút gọn, phù hợp với Luật Giao dịch điện tử mới được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2024;

Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 73/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;

Bên cạnh đó, tổ chức triển khai, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện tái cấu trúc quy trình, nghiệp vụ, hoàn thành cung cấp dịch vụ công thiết yếu trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo Quyết định 206/QĐ-TTg ngày 28/2/2024 bảo đảm cắt giảm tối đa giấy tờ, thời gian đi lại và chi phí thực hiện.

Đôn đốc các bộ, ngành xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy trình điện tử liên thông đối với các nhóm thủ tục hành chính liên thông theo Đề án 06 và Quyết định 206/QĐ-TTg ngày 28/2/2024; công bố, công khai danh mục thủ tục hành chính đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần và cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính;

Đôn đốc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có chính sách, miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến;

Hiện, Bộ Công an đang lấy ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân gồm: Dự thảo Báo cáo đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan bảo vệ dữ liệu cá nhân; dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân đang được Bộ Công an lấy ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân.

Nguồn: TBKTVN