Quay lại

Sản xuất nông nghiệp tháng 2/2024: Giá lúa giảm, thủy sản tăng trưởng nhờ thị trường tốt lên

Theo Tổng Cục Thống kê, tính đến trung tuần tháng 2/2024, cả nước gieo cấy được 2.557,4 nghìn ha lúa Đông Xuân, bằng 94,8% cùng kỳ năm trước. Trong đó, các địa phương phía Bắc đạt 680,9 nghìn ha, bằng 82,6%; các địa phương phía Nam đạt 1.876,5 nghìn ha, bằng 100,2%, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.481,7 nghìn ha, bằng 100,5%.

 TIẾN ĐỘ GIEO CẤY LÚA ĐÔNG XUÂN CHẬM, GIÁ GIẢM

Tại các địa phương phía Bắc, tiến độ gieo cấy lúa đông xuân chậm hơn cùng kỳ năm trước do Tết Nguyên đán Giáp Thìn vào đúng thời vụ gieo cấy. Một số địa phương có tiến độ chậm hơn như: Nam Định đạt 7,2 nghìn ha, bằng 11,7% cùng kỳ năm trước; Hà Nội đạt 20,4 nghìn ha, bằng 43,0%; Hải Phòng đạt 11,3 nghìn ha, bằng 62,5%; Thái Bình đạt 40,4 nghìn ha, bằng 77,4%.

Các địa phương phía Nam đến nay cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa Đông Xuân và bắt đầu thu hoạch ở một số trà lúa sớm. Một số địa phương có diện tích gieo cấy đạt khá so với cùng kỳ năm trước: Sóc Trăng đạt 180,7 nghìn ha, bằng 106,1%; Bạc Liêu đạt 45 nghìn ha, bằng 104,1%; Long An đạt 231,4 nghìn ha, bằng 102,8%.

"Nhìn chung lúa Đông Xuân phát triển khá tốt, những trà lúa chính vụ đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng, ngậm sữa. Trong đó, hiện vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch 240,3 nghìn ha, chiếm 16,2% diện tích gieo cấy và bằng 85,6% so với cùng kỳ năm trước".

Theo Tổng cục Thống kê.

Trong tháng 2/2024, giá lúa tại ruộng ở Đồng bằng sông Cửu Long liên tục giảm. Theo cập nhập của các hệ thống thu thập giá cả tại các địa phương, hiện giá lúa tươi tại ruộng cao nhất ở mức 8.500 đồng/kg, thấp nhất ở mức 8.070 đồng/kg, giảm khoảng 500 đồng so với thời điểm cuối tháng 1/2024.

Ông Nguyễn Văn Bảy, nông dân tại huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) cho biết ông có nhiều công ruộng trồng lúa đã cho thu hoạch trong vụ Đông Xuân này, nhưng nhiều thương lái đã bỏ “cọc” do giá lúa liên tục giảm. Hiện tại, đích thân ông phải chủ động tìm mối bán nhưng giao dịch rất ảm đạm do các doanh nghiệp khá dè dặt khi mua vào.

Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cho biết hiện đang mua lúa ở Hậu Giang với giá là 8.100 đồng/kg; mua ở Đồng Tháp với giá 8.070 đồng/kg. Dự kiến khi vào chính vụ thu hoạch (tháng 3, 4), giá lúa vụ Đông Xuân có thể giảm xuống mức 7.500 đồng/kg.

Theo ông Bình, giá lúa những tháng cuối năm 2023 tăng cao là do doanh nghiệp Việt Nam ký kết hợp đồng, bán gạo trước, thời điểm giao hàng cuối năm cuối vụ... phải mua lúa bằng mọi giá, kể cả khi nông dân neo giá cao quá mức. Như vậy, thời điểm đó sức mua "nóng" mà nguồn cung hạn chế thì giá tăng. Nay "cầu" giảm, sức mua ít thì giá lúa giảm là bình thường.

“Việt Nam đang vào vụ Đông Xuân – vụ lúa chính cho sản lượng rất lớn. Hơn nữa, hiện nay một số quốc gia truyền thống lớn của Việt Nam không chấp nhận giá gạo cao đột biến như cuối năm 2023 nên giá lúa giảm so với cuối năm 2023, đây không phải là hiện tượng đột biến”, ông nhận định và cho rằng mặc dù giá lúa giảm, nhưng nông dân trồng lúa vẫn đang có lãi. Nếu giá lúa ở mức 7.500 đồng/kg, nông dân vẫn thu lãi 100% bởi giá thành sản xuất ở mức 3.500-3.750 đồng/kg”.

DIỆN TÍCH TRỒNG RỪNG GIẢM

Đối với ngành lâm nghiệp, mặc dù “Tết trồng cây” đã được các địa phương triển khai trong tháng 2, nhưng diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 2/2024 ước đạt 9,8 nghìn ha, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm 2023 chủ yếu do tháng 2 của năm nay trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, diện tích rừng trồng mới cả nước ước đạt 17,6 nghìn ha, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 13,1 triệu cây, giảm 1,1%; sản lượng gỗ khai thác đạt 2.065,5 nghìn m3, tăng 0,8%".

Một số địa phương có tiến độ trồng rừng không cao như: Quảng Ngãi bằng 90,8% cùng kỳ năm trước, Quảng Ninh bằng 87,6%, Phú Thọ bằng 83,5%, Quảng Trị bằng 58,6%, Lào Cai bằng 24,2% (do diện tích thu hoạch thấp nên tỉnh chủ động giảm kế hoạch trồng rừng); số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 9,1 triệu cây, giảm 0,7%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1.039 nghìn m3, giảm 1,4%.

Diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng 2/2024  là 54,2 ha, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: diện tích rừng bị cháy là 0,4 ha, giảm 87,5%; diện tích rừng bị chặt, phá là 53,8 ha, tăng 9,8%. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, diện tích rừng bị thiệt hại 88,6 ha, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 0,7 ha, giảm 87,9%; diện tích rừng bị chặt, phá là 87,9 ha, giảm 4,1%.

SẢN LƯỢNG THỦY SẢN TĂNG NHẸ

Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng thủy sản thu hoạch tháng 2/2024 ước đạt 621 nghìn tấn, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 455,9 nghìn tấn, giảm 0,3%; tôm đạt 64,8 nghìn tấn, tăng 4,1%; thủy sản khác đạt 100,3 nghìn tấn, tăng 0,4%.

Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước đạt 346,4 nghìn tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá đạt 246,3 nghìn tấn, tăng 3,8%; tôm đạt 54,8 nghìn tấn, tăng 6,2%. Sản lượng thu hoạch cá tra trong tháng tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ năm trước do giá cá tra nguyên liệu duy trì ở mức khá. Sản lượng cá tra trong tháng ước đạt 116,4 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước.

"Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 1.211,1 nghìn tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá đạt 896,1 nghìn tấn, tăng 1,3%; tôm đạt 119,4 nghìn tấn, tăng 4%; thủy sản khác đạt 195,6 nghìn tấn, tăng 1,6%.

Theo Tổng cục Thống kê.

Trong tháng 2/2024, sản lượng tôm thu hoạch tăng khá do người nuôi chủ động thu hoạch để đáp ứng nhu cầu tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán. Sản lượng tôm thẻ chân trắng tháng 2/2024 ước đạt 33,9 nghìn tấn, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú đạt 16,2 nghìn tấn, tăng 2,9%.

Sản lượng thủy sản khai thác trong tháng 2/2024 ước đạt 274,6 nghìn tấn, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 209,6 nghìn tấn, giảm 4,8%; tôm đạt 10 nghìn tấn, giảm 5,7%; thủy sản khác đạt 55 nghìn tấn, giảm 2,7%.

Sản lượng thủy sản khai thác biển ước đạt 262,1 nghìn tấn, giảm 5,6%, trong đó: Cá đạt 202,1 nghìn tấn, giảm 6%; tôm đạt 9,8 nghìn tấn, giảm 5,9%. Sản lượng thủy sản khai thác biển giảm so với cùng kỳ năm trước do những ngày đầu tháng Hai trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên ngư dân không ra khơi đánh bắt.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, các tỉnh, thành phố, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang về việc tháo gỡ khó khăn của ngành thủy sản.

Theo đó, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên cập nhật, phân tích đánh giá thông tin thị trường một cách toàn diện để kịp thời phổ biến cho người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời chủ động, tập trung triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng đủ nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu thủy sản và hỗ trợ, khuyến khích ngư dân ra khơi, bám biển, khai thác hải sản hợp pháp.

Phó thủ tướng cũng giao các bộ Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, các tỉnh, thành phố, VASEP nghiên cứu và chủ động, tích cực có giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho ngành thủy sản.

Nguồn: TBKTVN