Quay lại

Ngành gỗ trước “thời điểm vàng” để tìm lại đơn hàng

Gỗ và sản phẩm gỗ là mặt hàng duy nhất trong nhóm ngành nông, lâm, thủy sản mang về hơn tỷ USD ngay trong tháng đầu năm 2024 khi đạt 1,5 tỷ USD. Tính chung cả hai tháng vừa qua, kim ngạch xuất khẩu ngành này đạt 2,4 tỷ USD, tăng gần 44%. Đây là chuyển biến tích cực sau khi ngành gỗ chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu 14,3 tỷ USD trong năm 2023, giảm 15,8% so với năm 2022 và không đạt mục tiêu 17,5 tỷ USD đặt ra. Năm 2024, ngành đặt lại mục tiêu này trong bối cảnh các doanh nghiệp đều lạc quan hơn, nhất là với thị trường Mỹ - nơi chiếm hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu của ngành.

LẤY LẠI ĐÀ TĂNG TRƯỞNG

Các địa phương có sản lượng gỗ xuất khẩu lớn nhất là Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM vừa liên kết tổ chức Hội chợ Xuất khẩu đồ gỗ và nội thất HawaExpo 2024. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng kể từ sau Tết Nguyên đán 2024 đến nay, tại TP.HCM đã diễn ra hai hội chợ quốc tế ngành chế biến gỗ, nội thất. Trước đó là VIFA Expo 2024 (Hội chợ quốc tế đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam).

Ghi nhận trong suốt 6 tháng quảng bá toàn cầu, HawaExpo 2024 nói riêng và thương hiệu sản phẩm gỗ nội thất Việt đã “phủ sóng” tại 100 quốc gia, xuất hiện trên hơn 15.000 bản tin bằng 20 ngoại ngữ tại tất cả nhóm báo chuyên ngành quốc tế. “Nhờ đó, bên cạnh các thị trường quen thuộc như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, thì nhóm khách đến từ Úc là một cơ hội mới; còn nhóm khách từ Trung Đông thực sự rất tiềm năng", ông Nguyễn Võ Nam Việt, Giám đốc kinh doanh An Việt Thịnh Furniture, nhận định.

Đa phần các doanh nghiệp ngành gỗ nội thất cho biết đã có đơn hàng đến tháng 4, một số đến tháng 9. "Chúng tôi vừa có đơn hàng lớn, xuất 600 căn nhà gỗ lắp ghép đi Hawaii”, ông Võ Xuân Thuyên, Giám đốc điều hành Trần Đức Homes, cho biết. Nhà máy tại Bình Dương của công ty ông đã kín đơn hàng nhà gỗ lắp ghép đến tháng 6/2024. "Thị trường Mỹ và Canada hứa hẹn là mảnh đất màu mỡ. Tại Canada, nhu cầu nhà ở đang rất lớn. Chúng tôi đang chuẩn bị mở rộng nhà máy thêm 12 ha để nhận làm thêm đơn hàng”, ông Thuyên chia sẻ.

Tính chung cả hai tháng vừa qua, kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ nội thất đạt 2,4 tỷ USD, tăng gần 44%.

Tính chung cả hai tháng vừa qua, kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ nội thất đạt 2,4 tỷ USD, tăng gần 44%.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Giám đốc Công ty Danh Mộc, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), lãi suất tại Mỹ đi ngang và có chiều hướng giảm, giúp lãi suất vay thế chấp hạ nhiệt, góp phần làm thị trường bất động sản ấm lên. "Đây là tín hiệu tốt cho đồ nội thất. Nếu không có biến động quá lớn về địa chính trị thì đến tháng 4 - 5, thị trường xuất khẩu sẽ tăng tốc".

"Ngoài ra, một số thị trường khác cũng đang có nhiều triển vọng. Đơn cử như xuất khẩu sang Hà Lan trong tháng 1/2024 tăng gần gấp đôi, hay như xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ tăng 250% so với năm ngoái. Thị trường Trung Đông cũng rất hấp dẫn nếu doanh nghiệp có mặt hàng hợp thị hiếu và quan hệ tốt”, ông Phương dự báo.

Để tận dụng thời cơ phục hồi, các doanh nghiệp đang tăng tốc tiếp thị và củng cố năng lực thiết kế. "Thỏa hiệp với danh xưng công xưởng gia công quốc tế là tư duy cần được gạt bỏ. Tận dụng thời điểm Việt Nam đang thu hút sự chú ý từ toàn cầu cùng hàng loạt nhà máy mới được khởi công năm nay, chúng tôi muốn phô diễn thực chất năng lực hiện nay của ngành", ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hawa, nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đại diện Hawa cho biết thời gian qua doanh số thương mại điện tử hàng nội thất và thủ công mỹ nghệ Việt tăng trưởng vượt bậc. Điều này cho thấy việc tham gia các sàn thương mại điện tử là một hướng đi mới đối với doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thanh Yến My, Quản lý tài khoản cấp cao của Amazon Global Selling Việt Nam, thương mại điện tử ngành nội thất của Mỹ dự báo sẽ tăng mạnh trong 4 năm tới và có thể đạt 118,6 tỷ USD vào năm 2027. Hiện các sản phẩm nội thất từ Việt Nam như kệ để giày, khung giường, tủ quần áo bàn làm việc gấp gọn, kệ nhà bếp, kệ phòng tắm, sản phẩm quà tặng cá nhân hóa... đang bán rất tốt trên các sàn thương mại điện tử tại đây. Tuy nhiên, các nhà sản xuất trong nước cần lưu ý ưu tiên các sản phẩm có thể tháo rời và lắp ráp dễ dàng; có kích thước nhỏ gọn, dễ đóng gói và vận chuyển...

Nguồn: TBKTVN