Quay lại

Doanh nghiệp châu Âu đặt niềm tin mạnh mẽ vào nền kinh tế Việt Nam

Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) quý 1/2024 của Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) do Decision Lab thực hiện công bố ngày 8/4 đã báo hiệu niềm tin mạnh mẽ vào nền kinh tế Việt Nam.

SỨC HẤP DẪN CỦA VIỆT NAM NGÀY CÀNG TĂNG

Theo đó, chỉ số BCI quý đầu tiên của năm 2024 đạt 52,8. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2022 đến nay. Con số này cho thấy dấu hiệu rõ ràng về niềm tin ngày càng tăng trong cộng đồng doanh nghiệp châu Âu của Việt Nam.

Chủ tịch EuroCham Dominik Meichle cho rằng xu hướng tích cực này nhấn mạnh quan điểm của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu về Việt Nam là một thị trường năng động với triển vọng tăng trưởng tuyệt vời.

Chỉ số này một lần nữa tăng trên ngưỡng 50 khẳng định sức hấp dẫn ngày càng tăng của quốc gia này, cùng những nỗ lực liên tục nhằm nâng cao sự ổn định và khả năng dự đoán. Yếu tố này sẽ tăng cường hơn nữa khả năng cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam và phát huy hết tiềm năng của mình.

Giám đốc điều hành Decision Lab Thue Quist Thomasen cũng vui mừng cho biết dữ liệu cứng từ BCI vẽ nên một bức tranh rõ ràng - sự lạc quan của nhà đầu tư đang được cải thiện đều đặn.

“Việt Nam chắc chắn có khả năng trở thành điểm đến đầu tư ưu việt trong khu vực. Các chính sách chủ động, tập trung vào nhà đầu tư sẽ đẩy nhanh hơn nữa sự phát triển của Việt Nam”, ông Thue Quist Thomasen nhận định.

Đặc biệt, theo CEO Decision Lab, 54% số người được khảo sát cho thấy họ sẽ giới thiệu đất nước Việt Nam cho các doanh nghiệp nước ngoài khác, xếp hạng từ 8 trở lên trên 10.

Điều này nhấn mạnh sức hấp dẫn ngày càng tăng của Việt Nam trong cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, đồng thời cũng gợi ý tiềm năng tăng thêm vị thế của Việt Nam và sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp châu Âu bày tỏ sự lạc quan về kinh tế Việt Nam, cả trong ngắn hạn và dài hạn. Trong khi một phần ba số doanh nghiệp cảm thấy lạc quan về triển vọng quý 2 của riêng họ và gần 40% là trung lập.

Một số chỉ số chính cho thấy một quỹ đạo đầy hứa hẹn. Đó là sự lạc quan đang gia tăng, tâm lý chuyển biến tích cực trong quý sắp tới đối với nền kinh tế nói chung. Mức độ lạc quan tăng 6 điểm so với quý trước lên 45%, trong khi mức độ bi quan chỉ là 10%.

Cùng với đó, hơn một nửa số người được hỏi dự đoán số lượng đơn đặt hàng và doanh thu sẽ cao hơn trong quý 2/2024.

Triển vọng việc làm cũng vững chắc. Có tới 40% doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng lực lượng lao động trong quý 2.

Mặt khác, niềm tin đầu tư tăng lên. Cụ thể số lượng doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm chi tiêu trong quý tới hiện chỉ còn 15% so với 23% trước đó.

Nhìn về lâu dài, sự lạc quan này càng được củng cố, với 71% doanh nghiệp cảm thấy tích cực về triển vọng dài hạn của họ tại Việt Nam trong 5 năm tới.

Báo cáo cũng nhấn mạnh, lực lượng lao động có tay nghề cao của Việt Nam là điểm thu hút lớn đối với các nhà đầu tư châu Âu, với 75% thành viên EuroCham thuê 76% nhân viên trở lên tại địa phương.

VẪN CÒN RÀO CẢN PHÁP LÝ

Trong khi sự lạc quan vẫn còn cao, báo cáo cũng chỉ rõ các doanh nghiệp phải đối mặt với những rào cản pháp lý ở Việt Nam cản trở việc gia nhập thị trường và đầu tư dài hạn.

Đó là gánh nặng hành chính. Hơn một nửa số người được hỏi coi đây là trở ngại lớn cho việc thành lập và mở rộng hoạt động.

Ngoài ra, 36% doanh nghiệp gặp khó khăn với các quy định khó hiểu, tạo ra sự không chắc chắn và cản trở việc hoạch định chiến lược.

Đồng thời là những khó khăn về giấy phép và cấp phép. 28% gặp phải sự chậm trễ tốn kém trong việc xin phê duyệt, không khuyến khích các dự án kinh doanh mới và tăng thêm rủi ro cho các nhà đầu tư.

Rào cản thị thực, như các quy định hạn chế (26%) chuyển giao kỹ năng và không khuyến khích chuyên môn và vốn nước ngoài thúc đẩy tăng trưởng.

Một vấn đề đáng lưu ý nữa, báo cáo cho rằng trong khi Việt Nam tiếp tục đạt được tiến bộ về tính bền vững thì cộng đồng doanh nghiệp châu Âu lại phải đối mặt với những thách thức trong việc thích ứng.

Những trở ngại chính bao gồm: 30% doanh nghiệp cảm thấy khó biện minh cho các hoạt động thân thiện với môi trường do sự quan tâm của người tiêu dùng thấp; 26% đấu tranh để cân bằng khả năng cạnh tranh về chi phí với các cam kết bền vững, đặc biệt là trích dẫn xung đột về giá với thực tiễn sinh thái; 26% cảm thấy khó tuân thủ các quy định môi trường không rõ ràng hoặc khó hiểu; 25% thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết cho hoạt động bền vững, bao gồm khả năng tiếp cận các giải pháp quản lý chất thải và năng lượng tái tạo.

Đồng thời những rủi ro chuỗi cung ứng được nhấn mạnh khi khảo sát. Sự gián đoạn gần đây trên các tuyến đường vận chuyển quan trọng như Biển Đỏ đã ảnh hưởng tiêu cực đến 3/5 số người được hỏi, làm nổi bật tính dễ bị tổn thương của chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Việt Nam phải tìm mọi biện pháp có thể để giảm thiểu tác động của những rủi ro bên ngoài đó đối với nền kinh tế.

CẦN GIẢI QUYẾT CÁC THÁCH THỨC PHÁP LÝ

Để doanh nghiệp châu Âu vượt qua những rào cản này cũng như để Việt Nam thu hút thêm đầu tư nước ngoài, 37% doanh nghiệp châu Âu kêu gọi các thủ tục hợp lý để dễ dàng gia nhập thị trường và giảm bớt quan liêu; 34% nhấn mạnh luật pháp rõ ràng và nhất quán để tạo ra môi trường đầu tư có thể dự đoán được; 28% ủng hộ việc cải thiện đường sá, bến cảng và cầu để hỗ trợ thương mại và hậu cần.

Theo Chủ tịch EuroCham Dominik Meichle, Việt Nam có tiềm năng kinh tế to lớn và việc giải quyết các thách thức pháp lý là chìa khóa để hiện thực hóa tiềm năng đó một cách trọn vẹn.

"Việc đơn giản hóa thủ tục và thiết lập các quy định minh bạch hơn sẽ giúp cả doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài thành công. Điều này sẽ giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hàng đầu trong khu vực, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp trong nước, thu hút vốn quốc tế và tăng cường quan hệ đối tác kinh tế, lãnh đạo EuroCham khuyến nghị.

Báo cáo cho biết thêm, hiện nay các doanh nghiệp châu Âu đang theo dõi chặt chẽ một số thay đổi quy định sắp tới có khả năng định hình lại đáng kể môi trường hoạt động của họ.

Các lĩnh vực chính mà các doanh nghiệp đang theo dõi. Trong đó, Quy hoạch phát triển điện lực 8 (PDP8)được 21% doanh nghiệp quan tâm. Việc phê duyệt kế hoạch thực hiện PDP8 gần đây (ngày 1/4/2024) có thể mang lại sự rõ ràng hoặc tạo ra những phức tạp mới cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng.

Với Luật Dược phẩm, 11% doanh nghiệp dự đoán những tác động đáng kể từ những thay đổi trong khuôn khổ quản lý dược phẩm.

Hay những sửa đổi gần đây của Luật Đất đai, được Quốc hội thông qua vào ngày 18.1/2024, được 7% doanh nghiệp ghi nhận là lĩnh vực có khả năng bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đang theo dõi sự phát triển trong Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, Thỏa thuận mua điện trực tiếp và Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (mỗi chính sách được trích dẫn 5%)… những quy định này có khả năng ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp từ sản xuất đến công nghệ.

Nguồn: TBKTVN