A.I và thách thức chuyển đổi công bằng cho lao động châu Á
Trí tuệ nhân tạo (A.I) đang nhanh chóng thay đổi các ngành công nghiệp và nền kinh tế trên khắp châu Á. Tuy nhiên, trong khi thảo luận xoay quanh quy định, an ninh và lợi ích kinh tế, thì tác động của A.I đến con người, đặc biệt là các nhóm yếu thế như phụ nữ, người khuyết tật, người lớn tuổi và thanh niên, thường bị bỏ qua. Khi A.I tái định hình thị trường lao động, những nhóm này có nguy cơ bị bỏ lại phía sau.
Một cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm là điều cần thiết để hiểu rõ tác động của A.I trong môi trường làm việc. Các thảo luận hiện nay thường tập trung vào công nghệ và quản trị, trong khi ít chú ý đến nguy cơ bất lợi cho những người có thể bị A.I loại trừ. Báo cáo năm 2023 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy người khuyết tật có nguy cơ thất nghiệp cao gấp 2,3 lần và các hệ thống tuyển dụng dựa trên A.I có thể làm hạn chế cơ hội của họ do định kiến từ các thuật toán, khiến nhiều người đủ năng lực bị loại khỏi các vị trí việc làm.
Theo Báo cáo Workforce Insights 2024 của PersolKelly, 80% nhà tuyển dụng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang sử dụng hoặc cân nhắc sử dụng A.I. Điều này mở ra cơ hội mới, nhưng cũng đặt ra thách thức lớn cho những người thiếu kỹ năng và đào tạo về A.I. Các đối tượng như phụ nữ, lao động không chính thức, người lao động di cư và nhóm thiểu số có nguy cơ bị loại trừ cao hơn khi các ngành công nghiệp như sản xuất, logistics và dịch vụ khách hàng ngày càng tự động hóa.
Một khảo sát của PwC cho thấy 54% lao động tại châu Á - Thái Bình Dương lo ngại rằng A.I tạo sinh sẽ làm thay đổi tiêu cực bản chất công việc của họ. Đặc biệt tại Việt Nam, nơi sản xuất chiếm tỉ trọng lớn trong GDP, người lao động có thể gặp rào cản nếu không được tiếp cận cơ hội đào tạo và nâng cao kỹ năng.
Bà Moutushi Sengupta, Giám đốc Huy động vốn AVPN, cho biết quá trình chuyển đổi A.I nếu không được điều chỉnh sẽ làm sâu sắc thêm bất bình đẳng xã hội. Phụ nữ có thể gặp khó khăn, khi quay lại thị trường lao động, và các thuật toán tuyển dụng A.I có thể hiểu sai về những khoảng trống trong quá trình làm việc, gây bất lợi không công bằng. Tương tự, thanh niên thiếu tiếp cận giáo dục và đào tạo về A.I cũng sẽ gặp khó khăn khi tham gia thị trường lao động. Nguy cơ loại trừ không chỉ là mất việc mà còn là không đáp ứng được yêu cầu mới do thiếu nguồn lực và cơ hội.
Để giải quyết vấn đề này, khái niệm “Chuyển đổi công bằng AI” đã ra đời, nhằm đảm bảo A.I thúc đẩy năng suất và giảm bất bình đẳng. Một số quốc gia như Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản đã đi đầu trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo, nhưng những lợi ích hiện tại chủ yếu vẫn dành cho lao động có kỹ năng. Trong khi đó, các nước như Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức về hạ tầng kỹ thuật số và giáo dục, đặc biệt ở khu vực nông thôn và phi chính thức.
Mặc dù các sáng kiến kỹ thuật số mạnh mẽ như Chiến lược AI Quốc gia 2.0 của Singapore hay Chiến lược Quốc gia AI của Hàn Quốc đã được triển khai, nhưng các nhóm yếu thế vẫn gặp rào cản lớn trong việc tiếp cận đào tạo và tài nguyên. Tại Indonesia, chương trình KORIKA đang thúc đẩy ứng dụng A.I để mở rộng tiếp cận cho các vùng sâu vùng xa.
Theo dự báo của Cushman & Wakefield, lực lượng lao động châu Á sẽ tăng thêm 165 triệu người vào năm 2030, đem lại tiềm năng lớn nếu tất cả lao động đều được trang bị kỹ năng cần thiết. Các tổ chức giáo dục và đào tạo có thể phối hợp thiết kế chương trình đào tạo phù hợp cho người lớn tuổi, cũng như hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận các công cụ A.I thân thiện, tránh định kiến.
Bên cạnh đó, đầu tư hạ tầng kỹ thuật số là yếu tố then chốt trong việc đảm bảo công bằng A.I. Chính phủ và tổ chức phải đầu tư vào cải thiện kết nối internet để các cộng đồng yếu thế có cơ hội tham gia vào nền kinh tế A.I. Đơn cử, các chương trình đào tạo tại vùng sâu vùng xa có thể giúp trang bị kỹ năng cần thiết cho người dân, thông qua các đơn vị đào tạo di động hoặc hợp tác với tổ chức địa phương.
Mặc dù đầu tư tác động là quan trọng, trọng tâm không chỉ nên là đầu tư tài chính mà còn là công bằng xã hội. Để đạt được Chuyển đổi công bằng AI, cần kết nối các nhà đầu tư với doanh nghiệp xã hội, tổ chức phi lợi nhuận và cộng đồng.
Theo Liên Hợp Quốc, việc thiết lập các cơ chế như quỹ A.I toàn cầu là chìa khoá để thu hẹp khoảng cách A.I bằng cách đảm bảo các cộng đồng yếu thế được tiếp cận nguồn tài nguyên thiết yếu. Quỹ này, được đề xuất để thu hút nguồn lực từ cả nhà đầu tư công và tư, sẽ hỗ trợ các chương trình đào tạo lại phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững.
“Dù vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng con đường phía trước đã rõ ràng. Bằng cách ưu tiên tính hòa nhập và đầu tư vào kỹ năng cần thiết cho mọi người, chúng ta có thể khai thác tối đa tiềm năng của A.I cho điều tốt đẹp”, bà Sengupta cho biết.
Nguồn Nikkei Asia - Nhipcaudautu